About Me

header ads

[Free] Truyện audio ngôn tình, lãng mạn: Cho Anh Nhìn Về Phía Em- Tân Di Ổ (Trọn bộ)

 

Truyện audio ngôn tình, lãng mạn: Cho Anh Nhìn Về Phía Em

Tác giả: Tân Di Ổ

Diễn đọc: Cỏ Lông Chông

 (Trọn bộ)

**********




Có lẽ tôi nằm trong nhóm những người hơi sợ văn của Tân Di Ổ. Mặc dù không phải tôi chê điều gì ở truyện của chị, nhưng mới đọc xong hai bộ thôi mà cứ mãi có cảm giác không trọn vẹn. Nói chung, Tân Di Ổ là cây viết truyện rất có nội dung, mà nội dung thì rất “nặng”, làm một đứa tâm tính thiếu nữ còn ít nhiều tràn trề như tôi ngại tiếp xúc. Sợ mình cáng không nổi sức nặng của câu chữ.



Với tôi, Tân Di Ổ được xếp vào cùng nhóm với Đồng Hoa. Tôi cho rằng phong cách của hai người từa tựa nhau, cả về cách viết lẫn giọng văn. Nếu nói cụ thể hơn một chút, thì Đồng Hoa viết “tự nhiên” hơn, câu chữ bình thản mềm mại, lạnh tựa nước; còn Tân Di Ổ viết cũng lạnh, nhưng lạnh giá như băng tuyết mùa đông. Những cuộc đời trong văn của Tân Di Ổ hợp thành một xã hội thu nhỏ, nơi mà mọi cái xấu, mọi sự thực, mọi lựa chọn nghiệt ngã trong cuộc sống đều bị bóc trần trước mắt người đọc. Nhiều lúc cũng thấy đau lòng lắm, nhưng nếu đem cảnh đời thực ra so sánh với câu chữ của chị, chắc cũng không lệch mấy phần.



“Cho anh nhìn về em” là tiểu thuyết ngôn tình hiện đại dài nhất mà tôi đọc trước giờ. Ban đầu nhìn hai quyển sách vừa nặng vừa dày này, thú thực là tôi hơi hoa mắt, thậm chí với 10 chương đầu tiên, tôi cũng phải thầm kêu than, thắc mắc sao mà văn phong của Tân Di Ổ trong truyện này lê thê quá vậy? Câu từ dài dòng, mạch văn chậm rãi hơn nhiều so với quyển “Anh có thích nước Mỹ không?”, cái còn giống có chăng chỉ là nét lạnh lùng khó lẫn với ai của giọng kể. Có lẽ muốn đọc truyện này cần có chút kiên nhẫn, bởi vì trong hơn 70 chương sau tốc độ hành văn vẫn không có gì thay đổi (T__T).



Thứ làm tôi thấy có chút thú vị ở những chương đầu, để rồi quyết định đọc tiếp, là tình cảm giữa Hàn Thuật với Chu Tiểu Bắc (không phải nữ chính). Phải nói rằng tôi không thích tính cách Hàn Thuật thuở thiếu niên, cũng không thích biểu hiện của anh quãng thời gian sau này; nhưng Hàn Thuật khi còn qua lại với Chu Tiểu Bắc thật sự là một người đàn ông đạt đủ tiêu chuẩn làm chồng (:D), dù có đôi lúc người đọc sẽ thấy anh ta sao mà kỹ tính quá thể. Thật ra với mẫu người xuề xòa như Tiểu Bắc, kiểu người thế này vô tình rất phù hợp. Thêm nữa là quan điểm sống của Hàn Thuật khá giống tôi: “Cho dù có yêu công việc đến đâu thì việc hưởng thụ cuộc sống vẫn phải đặt lên hàng đầu.” Nghĩa là “Sẽ nỗ lực nhưng không bao giờ hy sinh niềm vui của mình để phấn đấu.” Thật tình không nghĩ câu chuyện sau này lại hoàn toàn nói về Tạ Cát Niên, dù đến trang cuối cùng của truyện, tôi vẫn thấy Hàn Thuật hợp với Tiểu Bắc hơn.



Tuổi thơ của Tạ Cát Niên có đôi chỗ khá giống với tuổi thơ của La Kì Kì trong “Thời niên thiếu không thể quay trở lại”. Nhưng, khác với Kì Kì, cuộc sống của Cát Niên là cuộc sống của một con bướm tiến hóa ngược dòng thời gian, bị chính cha mẹ buộc phải thu dần cánh lại, sau cùng nhốt mình trở vào kén, mãi mãi khép chặt cánh cửa lòng. Nếu thế giới của Kì Kì tựa buổi bình minh kì ảo đủ mọi sắc màu, khi mà ánh sáng của ngày mới dần kéo Kì Kì thoát khỏi đêm đen; thì thế giới của Cát Niên là buổi hoàng hôn, là khi ngày sắp tàn, khi bóng đêm chực chờ phủ ngập cuộc đời cô. Đối với Cát Niên, tia sáng đẹp đẽ nhất giữa bóng đêm đó trước sau chỉ có mình Vu Vũ.



“Tiểu hòa thượng của cô, anh là mưa trên núi Vu…”





Thẳng thừng mà nói ban đầu tôi cũng không ấn tượng lắm với Vu Vũ, cho rằng tình cảm của Vu Vũ không rõ ràng. Sau cùng mới vỡ lẽ, hóa ra chỉ là vì cuộc đời bạc với Vu Vũ quá. Chẳng lẽ khi sinh ra đã là con của kẻ giết người, thì dù có giãy giụa thế nào cũng không thoát ra khỏi những đường chỉ tay số mệnh hay sao?



Vu Vũ với Cát Niên, hai con sâu bướm chen nhau trong lòng đất, con này nhường con kia chút ánh sáng yếu ớt. Vì chỉ một con có cơ hội được sống.



Khi Cát Niên dần dần nảy sinh tình cảm thân thiết với Vu Vũ, tôi không tin là Vu Vũ không nhận thấy. Nhưng cô cứ mãi đóng chặt cánh cửa lòng, chỉ dám run rẩy ngóng trông tiếng bước chân bên kia lớp cửa gỗ; còn Vu Vũ, chắc đã sớm nhận ra tình cảnh của hai con sâu bướm này rồi. Nhưng anh cũng muốn được sống, cũng muốn được hạnh phúc. Suy cho cùng ý chí sinh tồn của con người là thứ mãnh liệt nhất. Vì hy vọng vào hạnh phúc mong manh đó, Vu Vũ đã làm tất cả những gì có thể, thế nên đừng trách sao anh tìm đến con đường tương lai với Trần Khiết Khiết mà không phải Cát Niên. Bởi tôi tin là, chẳng có ai hiểu rõ hơn Vu Vũ, rằng Cát Niên vốn không phải một con sâu bướm. Hình ảnh xót xa nhất còn đọng lại có lẽ là nụ cười dịu dàng cuối cùng mà anh dành cho Cát Niên, rằng: “Trước giờ cậu chưa từng nói ra…” Nhưng cuối cùng, anh đã thất bại. Không chỉ thất hẹn với Trần Khiết Khiết, mà Cát Niên của ngày hôm đó, và của hơn mười một năm ròng sau này, cũng vẫn không thể nào quên được nụ cười đẹp đẽ với tà áo trắng tinh, không quên được gốc cây lựu ngày xưa. Cái kén của cô, rốt cuộc, chưa từng bị phá bỏ.



Mối liên hệ giữa Hàn Thuật với Cát Niên có một khởi nguồn khá dễ thương. Vở kịch về nàng Bạch Tuyết, lẽ ra sẽ trở thành một bắt đầu đẹp như thơ cho một mối tình thuần khiết, lãng mạn thuở thiếu thời. Đáng tiếc, giữa hai người họ không tồn tại tình cảm ấy, bởi dù lòng Hàn Thuật luôn hướng về Cát Niên, nhưng trong mắt cô, mãi mãi chỉ có Tiểu hòa thượng là ánh sáng mà cô nguyện ước được nhìn thấy. Giống như việc người ta luôn mong được ngắm sao qua lớp bụi mù phủ trên bầu trời thành phố, mà thường chẳng chú ý tới những ánh đèn muôn màu dưới mặt đất. Mười một năm trôi qua, thứ tình cảm mà Hàn Thuật dành cho Cát Niên đã chẳng còn đơn thuần là rung động tinh khôi của tuổi trẻ nữa, nó trộn thêm rất nhiều day dứt, rất nhiều đau khổ, đến từ những đêm mất ngủ, từ những cơn ác mộng triền miên kéo dài trong suốt hơn mười một năm đó. Mười một năm, lòng Cát Niên sớm đã giá lạnh tựa mặt nước chờ kết băng.



Nhưng thử hỏi trên thế gian, có cuộc đời ai là hoàn hảo, có bao nhiêu người may mắn đến bên nhau mà không chỉ vì cái gọi là “chỗ dựa”? Thế giới hoàn mỹ của Hàn Thuật sụp đổ. Thế giới mà bao năm Cát Niên ra sức vun vén với Phi Minh – thậm chí có đôi lúc còn ảo tưởng rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi – thì lại bong ra từng mảng. Cuộc sống biến ảo khôn lường. Phi Minh trở về bên mẹ ruột; lời hứa “nếu như” của Đường Nghiệp mong manh như bọt bóng xà phòng; mất đi tất cả tình thân… Bao nhiêu biến cố dồn dập đổ về, cuối cùng đã khiến Cát Niên chua chát nhận ra rằng: Nếu như biết giãy giụa cũng không thể tìm ra lối đi nào khác hơn, thà hãy chọn một con đường thỏa hiệp. Có lẽ là tha thứ cho Hàn Thuật, tha thứ cho Trần Khiết Khiết, mà cũng là tha thứ cho chính cô, tha thứ cho Tiểu hòa thượng, để giọt mưa trên núi Vu đó hòa vào nước mắt, để thời gian của tất cả quay trở về quỹ đạo cần có.



Mấu chốt cho những sự kiện đan cài trong câu chuyện chậm rãi và bi thương về thời thanh xuân này, chính là sự lựa chọn của mỗi con người.



“Khi bữa tiệc thanh xuân đã tàn, ai sẽ là người chi trả?”

Đăng nhận xét

0 Nhận xét