[SVIP] Truyện audio: Pháp Y Tần Minh tập 10: Giấy Trắng (Kèm truyện đọc)




Giấy Trắng
(Hệ Liệt Pháp Y Tần Minh - Quyển 10)
Tác giả: Tần Minh
Dịch: Lạc Hồn Cốc Team
********************
*************************




Lời nói đầu

Một cánh cửa đóng chặt.

Hai đời người cô độc.

Có lẽ âm thanh bên này cánh cửa quá lớn,

Mới che lấp tất cả tiếng vang từ bên kia.

Tự do, tín nhiệm, riêng tư, tình dục, chiếm hữu, hy sinh...

Sau cánh cửa đóng chặt của mỗi gia đình,

Tôi đã thấy rất nhiều bi kịch nhân gian.

Tôi hy vọng biết bao,

Đây là thi thể cuối cùng tôi nhìn thấy.


Lời chúc

Quyển sách này xin dành cho những người yêu thích pháp y.


Tổ tra khám (điều tra khám nghiệm) tỉnh Long Lâm lên sân khấu giới thiệu thành viên

- Tần Minh (tổ trưởng tổ điều tra khám nghiệm)

Nghề nghiệp: Pháp Y

Nick name thời sinh viên là "Tần Lớn Mật", các bạn đồng nghiệp tổ điều tra khám nghiệm thích gọi anh là "Lão Tần". Mặc dù đã làm việc nhiều năm, có đôi khi tính tình sẽ có chút nóng nảy. Trong cuộc sống, những người anh quan tâm nhất là vợ Linh Đang và con trai Tiểu Tần. Nhưng vì công việc bận rộn, không thường xuyên chăm sóc được cho gia đình khiến Lão Tần vô cùng áy náy.

- Lâm Đào

Nghề nghiệp: Kiểm nghiệm dấu vết

Lâm Đào là cộng sự sớm nhất của Tần Minh, phụ trách khám nghiệm dấu vết hiện trường, thu thập vật chứng. Cậu ta rất đẹp trai, tính tình ôn hòa, nhưng buổi tối lại có tật sợ ma. Mỗi lần điều tra khám nghiệm gặp phải hiện trường âm u kinh dị, đều phải tích cóp cả trăm lần dũng khí. Nếu tích cóp hết dũng khí lại để tỏ tình, có lẽ cậu ta cũng không còn phải độc thân nữa rồi....

- Lý Đại Bảo

Nghề nghiệp: Pháp y

Đại Bảo ban đầu là pháp y của thành phố Thanh Hương, sau được phân vào tổ điều tra khám nghiệm của sở công an tỉnh, trở thành bác sỹ pháp y thứ hai sau Tần Minh. Anh rất say mê phá án, cũng có thể sẵn sàng chịu đựng khó khăn thử thách, cho dù thường xuyên phải đi công tác mà vẫn luôn luôn lạc quan, câu cửa miệng là "Khám nghiệm hiện trường, không lo bị trĩ". Cùng bạn gái Mộng Hàm (hiện giờ là chị dâu Bảo) trải qua rất nhiều sóng gió.

- Trần Thi Vũ

Nghề nghiệp: Điều tra viên

Tính tình ngay thẳng, hiếu thắng, sức chiến đấu rất mạnh, nhưng không giỏi giao tiếp lắm, có đôi khi nói chuyện dễ đắc tội người khác. Mặc dù cha cô là lãnh đạo cảnh sát, nhưng Lông Vũ lại không ỷ lại vào ảnh hưởng của cha mình, mà dựa vào thực lực bản thân để giành được sự tôn trọng của mọi người. Trong tổ điều tra khám nghiệm, cô chủ yếu phụ trách công việc điều tra phương hướng, vì bình thường thích chụp ảnh nên thỉnh thoảng cũng tham gia phụ trách chụp ảnh vật chứng.

- Hàn Lượng

Nghề nghiệp: Tài xế

Hàn Lượng là một công tử nhà đại gia chính hiệu, vì có hứng thú với việc phá án, nên xin gia nhập sở công an tỉnh với thân phận hỗ trợ hậu cần, hằng ngày lái xe chở tổ điều tra khám nghiệm tới lui giữa hiện trường vụ án và phòng giải phẫu. Vì năng lực tìm kiếm tư liệu của Hàn Lượng đặc biệt xuất sắc, kiến thức xã hội cũng rất rộng, cho nên được thành viên tổ khám nghiệm tôn xưng là "Bách Khoa Sống". Thuở nhỏ anh đã tận mắt chứng kiến cái chết của mẹ mình nên bị ám ảnh tâm lý, cho dù tính tình hòa nhã thẳng thắn, nhưng khó có thể duy trì tình yêu lâu dài.

- Trình Tử Nghiên

Nghề nghiệp: Điều tra hình ảnh

Trình Tử Nghiên tính cách hướng nội, dễ thẹn thùng. Nhìn qua thì có vẻ yếu đuối, nhưng nội tâm cũng có chỗ vô cùng cứng rắn. Ban đầu vì năng lực kiểm nghiệm dấu vết xuất sắc nên được mời vào tổ điều tra khám nghiệm, sau này chuyển sang chuyên phụ trách mảng kỹ thuật điều tra hình ảnh, và cũng gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sử dụng camera theo dõi để phá án. Cô còn có một em gái tên Trình Tử Mặc, đang làm việc trong tổ chức Người Gác Đêm.


 

Giới thiệu mở đầu- Mã Bá Dung

 

Việc giữ cho tâm lý trẻ vị thành niên luôn được khỏe mạnh là vấn đề được quan tâm rộng rãi, nhưng không phải lúc nào cũng được mọi người chú trọng.

Là một nhà văn, phải có một lá gan trách nhiệm, mang thật nhiều vấn đề quan sát được trong xã hội và bản chất của chúng, biểu đạt thẳng thắn trong tác phẩm; Là một người cha, khi nhìn thấy tình cảnh khốn khó của trẻ vị thành niên, tất nhiên sẽ tự động phát sinh đồng cảm, thấu hiểu và thương xót cho hoàn cảnh của chúng.

Tần Minh đủ cả hai thân phận này, đồng thời còn thêm thân phận nghề nghiệp nữa, là một cảnh sát pháp y, anh có một đôi mắt đủ nhạy bén, từ góc độ chuyên nghiệp phân tích và giải quyết vấn đề, lần lượt vạch rõ những tác nhân tiềm tàng phía sau mỗi bi kịch, đưa ra thêm một đề tài thảo luận mang ý nghĩa xã hội.

Lá gan trách nhiệm, cùng trái tim đồng cảm, đôi mắt nhạy bén, lần lượt đại biểu cho ba thứ thuật, pháp, đạo để làm nên một quyển sách hay.

Khi ba thứ này hợp lại làm một, liền sản sinh ra cuốn "Giấy Trắng" này. Cuốn sách này là dấu hiệu cho thấy Tần Minh đã tự mình giác ngộ ba thân phận này, cũng cho độc giả trung thành chúng ta cảm nhận được một loại áp lực trĩu nặng. Bởi vì Tần Minh đã không ngần ngại xé rách bức màn mỏng, làm cho sự thật theo khe hở bắn ra, thấu tận đến xương.

Không chỉ có vậy giá trị của quyển sách này, ngoài việc giúp chúng ta nhìn hiện thực mà nó còn là một tiếng chuông du dương lúc nửa đêm mà khách trên thuyền nghe được, mang theo thương xót, mang theo thiện ý, khiến chúng ta đang trong đêm đen nặng nề mà nghe được một tia hy vọng được cứu rỗi.


 

Lời tựa

“Vạn kiếp bất phục hữu quỷ thủ

Thái bình nhân gian tồn Phật tâm

Trừu tơ bác duẫn giải thi ngữ

Minh sát thu hào tẩy oan tình.”

 

Một đôi tay quỷ, chỉ vì oan khiên được rửa sạch; Tràn đầy Phật tâm, chỉ nguyện thiên hạ thái bình.

Chúng sinh đều mang mặt nạ, chỉ một ý niệm, người liền hóa thành thú.

 

Cuốn thứ 10 của loạt truyện "Pháp Y Tần Minh", cũng là mùa thứ 4 của quyển Chúng Sinh, chính thức khởi động.

Quyển Chúng Sinh của loạt truyện Pháp Y Tần Minh đã ra 3 cuốn, lần lượt là "Kẻ Trời Phạt" (Vách núi tử thần), "Kẻ Lãng Quên" và "Búp Bê". Tôi từng tưởng rằng loạt tiểu thuyết Pháp Y Tần minh càng ra nhiều, sẽ khiến cho độc giả càng cảm thấy mệt mỏi, trong lời tựa của "Búp Bê" tôi đã thể hiện lo lắng này. Không ngờ các độc giả thân mến của tôi không những không hề mệt mỏi, ngược lại càng thêm ủng hộ sáng tác của Lão Tần. "Búp Bê" vừa phát hành, trong 3 giờ đã bán được hơn 12000 bản; Sau nửa năm "Búp Bê" đưa ra thị trường, đã bán được gần 10 vạn cuốn.

10 năm qua có những độc giả vẫn luôn hết lòng ủng hộ, Lão Tần vì thế vô cùng cảm động, tự hào, điều này cũng thúc giục tôi lập tức sáng tác thêm mùa thứ 4 Quyển Chúng Sinh.

Xem ra các bạn độc giả của quyển Chúng Sinh đều hiểu rất rõ, khác với quyển Vạn Tượng, quyển Chúng Sinh chú ý hơn đến các vấn đề trong xã hội, nhằm vào những vấn đề nhức nhối trong xã hội để thảo luận nghiên cứu. Cho nên điểm xuất phát để sáng tác "Giấy Trắng" cũng là như vậy.

Khoảng vài năm gần đây, chúng ta đã thấy về sức khỏe tâm lý thanh thiếu niên ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề, rất nhiều người đã lên tiếng rằng phải quan tâm chú ý cả về thể xác lẫn tinh thần của trẻ nhỏ, nhưng rốt cuộc phải chú ý như thế nào, hiểu con trẻ như thế nào mới đúng?

Là một người cha, tôi cũng thường xuyên gặp phải những băn khoăn tương tự. Quan tâm, thấu hiểu, tôi tự nhận thấy mình có thể làm được. Thế nhưng, trẻ con đôi khi buồn bực kém vui, lại không muốn tâm sự chuyện của mình cho chúng ta biết, những người làm cha mẹ chúng ta cũng chỉ có thể lo lắng suông. Làm thế nào để kết nối hiệu quả, kịp thời với con? Làm thế nào để thành lập được mối quan hệ thân thiết tốt đẹp với con trẻ?

Để tìm kiếm đáp án cho những vấn đề này, tôi quyết định chủ đề của "Giấy Trắng" là dựa trên quan hệ ruột thịt.

Rất nhiều người hỏi tôi tựa sách "Giấy Trắng" có hàm nghĩa gì.

Nhìn bề ngoài, bài thi nộp giấy trắng, có thể là một loại ám thị, là biểu thị trẻ em muốn khóa kín bản thân, từ chối giao tiếp nhưng đồng thời nhìn sâu vào bên trong, nộp giấy trắng, cũng có thể là một loại tín hiệu cầu cứu, trẻ em khát vọng được thấu hiểu, khát vọng được chú ý.

Về chủ đề giáo dục trẻ em, rất nhiều phụ huynh đều cảm thấy bản thân rất oan ức. Rõ ràng họ đều muốn làm những việc tốt cho con cái, mà con cái lại hoàn toàn không cảm kích. Họ đổ hết trách nhiệm cho "thời kỳ nổi loạn" của con -- tôi cũng muốn giao tiếp, trao đổi suy nghĩ mà, nhưng tôi vừa mở miệng, con lại không thích nghe, đây không phải là nổi loạn sao?

Nếu hỏi con trẻ cùng câu hỏi này, chúng cũng rất uất ức. Người lớn vừa mở miệng đều toàn là khuyên bảo không nên làm cái này nên làm cái kia, chưa bao giờ nghiêm túc nghe con nói, đây có thể gọi là giao tiếp được sao?

Hai bên đều có điều bất mãn, hai bên cũng đều có oan ức.

Tình cảnh như vậy, bản thân Lão Tần cũng từng gặp phải. Tiểu Tần Con cũng đang trong "thời kỳ nổi loạn", cho nên lúc tôi và Tiểu Tần Con gối kề bên gối, cũng sẽ gặp phải đủ loại vấn đề khác nhau. Đặt tay lên ngực tự hỏi, tôi tự thấy cho dù mình không phải là một người hiểu tâm lý người khác, nhưng tôi cảm thấy, việc thử loại giao tiếp này, đối với cha mẹ và con cái đều vô cùng quan trọng.

Lão Tần không phải chuyên gia giáo dục, cũng không biết có phải đáp án chính xác là do quan hệ ruột thịt bền chặt hay không. Nhưng Lão Tần tin tưởng rằng, tất cả cha mẹ và con cái trên cõi đời này nặng lòng yêu thương nhau, đều đang không ngừng trải nghiệm và tìm kiếm cách thức chung sống với nhau hòa hợp nhất. Việc Lão Tần có thể làm, chính là dùng những vụ án chân thật biên soạn lại thành câu chuyện, để cảnh tỉnh và cho mọi người chút gợi ý.

Thời gian hoàn thành cuốn "Giấy Trắng" rất dài, không phải vì Lão Tần không tìm được tư liệu thực tế thích hợp, mà bởi vì Lão Tần hy vọng có thể suy nghĩ được nhiều hơn về chủ đề quan hệ ruột thịt, viết lách được thấu đáo hơn. Do đó, mất thời gian một năm, sau khi cùng nhóm bạn của Nguyên Khí Xã họp hành thảo luận mười mấy lần, tôi mới gõ xuống được dàn ý sáng tác của "Giấy trắng". Ở đây cũng đặc biệt cám ơn các bạn của Nguyên Khí Xã, trong quá trình chuẩn bị, đã cung cấp góc nhìn của chuyên gia tư vấn tâm lý, nâng cao trình độ lý luận cho tôi đồng thời trong lúc trao đổi đã giúp tôi bật ra được những linh cảm có giá trị, Chúng tôi cũng đã tham khảo một chút ít triết lý của nhà tâm lý học Erikson và Adler, hoàn thiện nhân vật xây dựng trong sách.

Tôi hy vọng "Giấy Trắng" có thể giúp phụ huynh và con cái mở rộng suy nghĩ, tập trung vào vấn đề giao tiếp giữa phụ huynh và con cái, ý nghĩa của gia đình, những nhân tố hình thành lên nhân cách và tính cách của chúng, để phụ huynh và con cái có thể suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn.

Lão Tần cho rằng, mỗi thành viên trong gia đình đều phải bình đẳng, suy nghĩ và ý kiến của mỗi người cần được tôn trọng. Trẻ con không phải vật phụ thuộc của bất kỳ ai, chúng cũng đều là thành viên gia đình và cần được tôn trọng. Trong vài chục năm cha mẹ và con cái làm bạn cho dù là đối với cha mẹ hay con cái, đều là khoảng thời gian quý giá nhất, cần được trân trọng nhất.

Dù sao, cha mẹ cũng không thể làm bạn với con cái cả đời, con cái chung quy cũng phải tự dựa vào bản thân để tồn tại trên thế giới. Cha mẹ không thể thay con mình đưa ra tất cả các quyết định, thay chúng giải quyết tất cả vấn đề, cha mẹ cho dù thật sự yêu thương con mình, cuối cùng cũng phải để con học cách tự lập.

Trong quá trình này, cha mẹ và con cái cần phải nỗ lực lắng nghe tiếng nói của song phương, học cách tôn trọng lẫn nhau, học cách trao đổi với nhau. Cho dù là cha mẹ hay con cái, cũng đều là lần đầu đảm đương vai diễn này, họ cũng đều cần phát triển chung với nhau.

Tôi hy vọng, tất cả cha mẹ, tất cả con cái trong thiên hạ, đều có thể không ngừng kết nối, không ngừng học hỏi, không ngừng phát triển.

Tôi cũng chân thành hy vọng các độc giả, bất kể là phụ huynh, hay con trẻ, đều có thể nhận được chút gợi ý từ quyển sách này, tự mình tiếp nhận, tiếp nhận lẫn nhau, không để cuộc đời thành "Giấy Trắng".

Viết nhiều như vậy, tôi đã bắt đầu mong chờ phản hồi của các bạn rồi. Đúng thế, đây chính là điểm hấp dẫn nhất của việc sáng tác văn học. Tôi có thể cùng hàng ngàn hàng vạn độc giả thảo luận nghiên cứu với nhau về một vài chủ đề khiến cho người ta cảm thấy nghi hoặc, từ trong câu chuyện hoặc từ bình luận của các bạn độc giả mà thảo luận, tìm kiếm đáp án, đây là chuyện khiến người ta hưng phấn biết bao!

Trong những năm xuất bản quyển Chúng Sinh này, cũng có rất nhiều độc giả hỏi tôi: Tại sao những vụ án chết vì tai nạn trong sách càng ngày càng nhiều? Tôi cho rằng, trong quyển Chúng Sinh tôi đã giảm bớt số trang của những vụ án giết người, mà gia tăng những câu chuyện tử vong do tai nạn ngoài ý muốn, có ba nguyên nhân chủ yếu: Một là bản thân Lão Tần chính là tác giả của phái tả thực, mà trong tình hình thực tế, án mạng đích thực đã càng ngày càng ít; Hai là công tác pháp y không chỉ phát huy tác dụng trong việc phá giải án mạng, phán đoán nguyên nhân, phương thức tử vong đóng vai trò đặc biệt quan trọng xuyên suốt quá trình tố tụng tôi hy vọng độc giả của tôi thấy được những câu chuyện về pháp y có thể phát huy tác dụng trong nhiều lĩnh vực khác hơn nữa; Ba là công tác pháp y uyên thâm phong phú, ngoài việc phân tích hiện trường ra, còn có rất nhiều những trường hợp khác cần pháp y cống hiến sức lực, tôi muốn để độc giả của tôi hiểu rõ ngành pháp y một cách toàn diện.

Tôi thật lòng hy vọng, mặc dù có vài câu chuyện không phải án mạng, các bạn vẫn có thể chứng kiến trí tuệ và dũng khí của ngành pháp y.

Như thường lệ, chúng tôi tuyên bố rằng tất cả tên, địa danh và cốt truyện trong cuốn sách này đều là hư cấu. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự trùng hợp nào.. Nội dung chân thực và thực tế trong cuốn sách là thái độ làm việc tận tâm, tinh thần tỉ mỉ, khắt khe của những kỹ thuật viên hình sự công an cùng lối suy luận chi tiết xuất sắc của họ.

Tin rằng mọi người có thể nhìn thấy, có một nhóm người đang bảo vệ trời xanh mây trắng của nền cộng hòa như vậy.

Viện sĩ Tùng Bân phát biểu trong chương trình tạp kỹ “Chúng tôi mới vào nghề - Kỳ pháp y” rằng: “Công việc pháp y là để bảo vệ các quyền về tính mạng, thân thể và sức khỏe của công dân. Pháp y học là y học quốc gia. Nó góp phần nâng cao năng lực quản lý và hệ thống quản trị đất nước, cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cần thiết một cách có hệ thống và khoa học.”

Tôi hy vọng rằng bộ tiểu thuyết Pháp Y Tần Minh có thể giúp độc giả hiểu được ý nghĩa thực sự trong phát biểu của viện sĩ Tùng Bân.

Vậy, chúng ta hãy bắt đầu thôi!

Tần Minh

Ngày 1 tháng 5 năm 2022


Đăng nhận xét

0 Nhận xét