About Me

header ads

Truyện audio trinh thám, kinh dị: Ngôi Nhà Quái Dị- Agatha Christie (Trọn bộ)


  Truyện audio trinh thám, kinh dị:Ngôi Nhà Quái Dị
Tác giả: Agatha Christie 
Diễn đọc: Ngọc Như
(Trọn bộ)
*******



Agatha Christie là nhà văn trinh thám người Anh có thể là hầu như ai cũng biết đến. Sự nghiệp cầm bút của bà có lẽ là quá nức tiếng và các tác phẩm của bà có được một tầm ảnh hưởng nhất định không chỉ trong thời của Christie mà còn ở thời điểm hiện tại. Bà là nhà văn có số lượng tiểu thuyết trinh thám bán chạy nhất mọi thời đại với một tỉ bản được bán ra trên toàn thế giới. Trong số những tác phẩm ấy, cuốn “Ngôi nhà quái dị” (“Crooked house”) đã tạo được vị thế riêng cho mình và tỏa sáng. Nhưng đối với tôi, cuốn tiểu thuyết này không xuất sắc như những cuốn nổi tiếng khác của Agatha Christie và nếu phải nói một cách cường điệu, có lẽ tôi hơi thất vọng với cuốn này. Tuy nhiên nó vẫn mang lại cho tôi sự ám ảnh cùng những giá trị văn học cổ điển. Bài này tôi sẽ viết ngắn và điểm qua những thứ cần nói thôi.

Cốt truyện kể về Aristide Leonides là một doanh nhân thành đạt giàu có xuất thân từ Hy Lạp. Gia đình ba thế hệ của ông sống trong một căn nhà ba đầu hồi mà được cho là ‘quái dị’. Ông có hai đời vợ. Vợ trước mất do bị trúng bom thời chiến tranh, cô em gái không lấy chồng của bà vợ này đến giúp anh rể chăm sóc các cháu. Khi các cháu đã lớn cả, ở tuổi 80 ông Leonides lại đi bước nữa với một phụ nữ trẻ đẹp kém ông những ba mươi tuổi. Rồi một ngày ông bị một mũi tiêm định mệnh tước đoạt mạng sống, dĩ nhiên người ôm trọn những mối hoài nghi chính là cô vợ trẻ kia khi bị ngờ vực là giết ông chồng già của mình vì tài sản và vì mối tình vụng trộm với anh gia sư trạc tuổi bà trong gia đình. Mọi nghi vấn đổ dồn về một phía trong khi ai trong gia đình cũng có động cơ ra tay thủ ác đã mở ra một cuộc điều tra điên đầu và gần như là không có lối thoát cùng hàng loạt vụ án khác … Ai là hung thủ? Động cơ là gì ? …

Điều đầu tiên phải nói về tác phẩm chính là: khi nghe đến cái nhan đề “Ngôi nhà quái dị” tôi đã liên tưởng ngay đến những vụ án phức tạp li kì trong ngôi nhà ấy, những chuỗi án mạng kinh hoàng hay giết người trong mật thất khiến cảnh sát phải rối ren và sợ hãi. Nhưng cái ‘quái dị’ ấy đơn giản chỉ là căn nhà ba đầu hồi do ông Aristide Leonides thiết kế có hình dáng quái đản và các nội thất trưng bày bên trong khác thường mà thôi! Đọc nhan đề rồi đọc tác phẩm thật làm tôi chưng hửng, thực sự có một cái gì đó chưa thỏa mãn, chưa mạnh mẽ lắm và phải nói là có hơi sáo rỗng và hời hợt.

Đa phần các tác phẩm của Agatha Christie xây dựng quanh hai nhân vật nổi tiếng chính là thám tử tài ba Hercule Poirot hoặc nữ thám tử Marple. Trong tiểu thuyết này được kể với góc nhìn thứ ba, Charles Hayward – người yêu của cô con gái lớn trong gia đình Sophia Leonides, anh không là cảnh sát, thám tử tư độc lập nhưng anh buộc phải cùng cảnh sát giúp tìm ra chân tướng để có thể kết hôn với Sophia. Và cách lựa chọn như thế cũng gây ra nhiều khuyết điểm trong tác phẩm, theo như tôi thấy, chính việc xây dựng nhân vật xưng ‘tôi’ chỉ là một thanh niên bình thường đã làm cho yếu tố trinh thám trong tiểu thuyết thuyên giảm và không được xoáy sâu mạnh mẽ như những tác phẩm khác. Trong tác phẩm, nhân vật nam chính không làm gì nhiều chủ yếu là hành động lượn lờ quanh quẩn ngôi nhà để tìm hiểu. Việc đó mang hệ lụy là làm cho mạch truyện trở nên chậm chạp và thiếu cuốn hút, tập trung triển khai các chi tiết làm cho nó dài dòng đôi khi mang màu sắc chung chung.

Qua những mặt mà tôi chưa hài lòng đấy cũng có những mặt mà tôi tâm đắc ở tác phẩm “Ngôi nhà quái dị” của Agatha Christie. Đó là cách mà bà xây dựng các nhân vật phụ xoay quanh trong ngôi nhà ba đầu hồi đó. Đúng như nhận định của Sophia Leonides đã nói về gia đình mình: ‘Đây là một ngôi nhà quái dị với những con người quái dị’ , Roger – người con cả của Aristide Leonides – là một người được nạn nhân yêu chuộng bảo bọc nhưng vốn không có đầu óc kinh doanh, là một người thụ động không có khả năng suy xét và nhìn xa trông rộng. Phillip – người con thứ của Aristide Leonides – vốn ganh tỵ với anh mình vì anh không được hưởng cái quyền được yêu thương cưng chiều mà cha anh đã dành cho anh ấy, điều đấy khiến anh sống khép kín, lạnh lùng đôi khi được cho là nhẫn tâm. Clemency – vợ của Roger – là một người đàn bà giản dị nhưng mạnh mẽ và quyết đoán. Brenda – bà chủ của căn nhà ba đầu hồi – là một người phụ nữ đáng thương, luôn mang bên mình cảm giác sợ hãi. Chàng gia sư thì nhút nhát và dễ sợ hãi nhưng giàu tình cảm. Sophia là một người phụ nữ sắc xảo, thông minh, linh hoạt và quả cảm. Eustace – con hai của Phillip và vợ ông ta,Madga – thì thiển cận, nóng tính và khó gần. Đặc biệt chính là Josephine ,con út của Phillip, con bé thừa hưởng sự nhẫn tâm sâu đậm từ gia đình của bà nó, sự ích kỷ tự cao tự đại và vô tâm của Madga, chỉ biết có mỗi quan điểm của mình, sở hữu sự nhạy cảm của Phillip. Sau cùng, trong người nó có dòng máu của ông lão Aristide Leonides, nó giống ông về trí tuệ và sự xảo quyệt nhưng tình thương của nó không hướng về gia đình mà về bản thân nó.

Ta thấy rõ ràng ở con người của Josephine là sự phát triển không đồng đều giữa tư tưởng đạo đức và trí tuệ. Điều đó dẫn tới sự tiêu cực, tính cách ích kỷ độc địa tiềm ẩn và phát triển trong con người của con bé. Có thể thấy những đặc điểm ấy là được thừa hưởng từ hai gia đình nội ngoài những chúng không hẳn là những đặc điểm tính cách do ‘di truyền’ mà nên. Ai trong mỗi chúng ta sinh ra đều là một phần tốt đẹp của cuộc sống nhưng do cuộc sống thường nhật, do những con người xung quanh tác động và sự dạy dỗ không đầy đủ và đúng đắn đã nặn lên nhân cách cực đoan của cô bé mười một tuổi Josephine trong tác phẩm, biến cô bé thành ác quỷ. Phải, một con ác quỷ độc địa và ranh mãnh với những suy nghĩ thật sự làm cho người ta rùng mình vì sợ và ám ảnh. Đồng thời những con người trong căn nhà lạnh lẽo ấy đã phát họa nên một bức tranh toàn cảnh về một bộ phận người trong cuộc sống, thể hiện rõ nét được khía cạnh của những con người ích kỷ,vô tâm và lạnh nhạt không chỉ trong xã hội mà còn trong gia đình mình. Chính sự thờ ơ lãnh cảm đấy đôi khi lại kéo theo những tác nhân tiêu cực méo mó và tội ác là một biểu hiện điển hình của điều ấy. Quả là một giá trị đời sống chân thực được đan cài trong tác phẩm!

Nổi bật ở tác phẩm này còn là cái kết của câu chuyện, cái chân tướng của vụ án mà tác giả đã viết nên. Lối kết thúc bất ngờ và gây cấn trong các tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie rất quen thuộc trong bút pháp của bà và chính cái kết thúc khó đoán ấy đã gieo rắc sự ám ảnh trong lòng các bạn đọc không những các fans trinh thám mà nói chung.

Mở đầu quyển sách Agatha Christie bảo rằng Ngôi nhà quái dị là tác phẩm hay nhất của mình. Nhưng với tôi tác phẩm có nhiều phần khiến tôi khá thất vọng. Mặt khác, chính Agatha đã viết:“Nhưng có lẽ, tác giả không phải là quan tòa đánh giá tác phẩm của mình tốt nhất” nên có lẽ đó tùy vào cái cảm thức chủ quan của mỗi người. Nhìn chung, cái không thể phủ nhận được ở tác phẩm chính là: tuy nó không hẳn là kinh điển nhưng nó cổ điển, không đơn thuần là xoay quanh yếu tố trinh thám mà còn kết tinh được những cái đẹp, những giá trị sâu sắc của văn học. Nếu tìm đọc tiểu thuyết trinh thám để giải trí và mở mang trí óc thì “Ngôi nhà quái dị” của Agatha Christie luôn là một lựa chọn đúng đắn. Bình chọn 6.5/10.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét